Nội dung trên được nêu trong Nghị định 47/2022/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 19/7, sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Quy định cấm cải tạo ô tô 16 chỗ thành xe Limousine
Theo đó, Nghị định trên bổ sung khoản 3 Điều 13 Nghị định 10/2020 về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô.
Cụ thể, không sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách; không sử dụng xe ô tô kiểu dáng tương tự xe từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
Nghị định mới cũng quy định, với những xe đã cải tạo xuống dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) và đã được cấp phù hiệu, biển hiệu trước ngày Nghị định 47 có hiệu lực (1/9/2022) tiếp tục được sử dụng để kinh doanh vận tải hành khách đến hết niên hạn sử dụng theo quy định tại Nghị định.
Trước đây, Nghị định 10/2020 chỉ quy định không sử dụng xe ô tô cải tạo thành xe có dưới 9 chỗ (kể cả lái xe) để kinh doanh vận tải taxi.
Thực tế hiện nay, khá phổ biến hình thức xe 16 chỗ (chẳng hạn dòng Ford Transit, Hyundai Solati, Mercedes Sprinter…) được cải tạo thành dưới 10 chỗ ngồi để chở khách liên tỉnh. Những xe này thường được gọi là xe Limousine, hoạt động “núp bóng” dưới hình thức xe hợp đồng – đón khách tại nhà và trả khách tại một số bến bãi tự phát.
Như vậy, khi Nghị định 47/2022 có hiệu lực từ ngày 1/9, ô tô 16 chỗ cải tạo thành xe Limousine dưới 10 chỗ sẽ không đủ điều kiện để cấp phù hiệu, biển hiệu kinh doanh vận tải hành khách.
Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách dưới mọi hình thức; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau; không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hằng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh.
Song thực tế hiện nay, rất nhiều xe Limousine đang vi phạm các quy định trên. |
Nghị định mới ra đời vì sự an toàn của người dân
Như vậy, nếu hoán cải xe trên 10 chỗ (thường là xe 16 chỗ) thành xe dưới 10 chỗ thì người sử dụng phương tiện sẽ chỉ cần đến bằng B2 thay vì bằng D. Số chỗ ít đi nhưng thực tế “xác xe” vẫn không đổi.
Trước đây, nhiều đơn vị tận dụng vào sơ hở này để hoán cải xe 16 về dưới 9 chỗ ngồi để tiết kiệm chi phí thuê tài xế. Thông thường, việc thuê lái xe bằng D có chi phí cao hơn đáng kể so với lái xe có bằng B2 (loại bằng mà phần lớn người đi ô tô sở hữu).
Như vậy, Nghị định 47/2022 ra đời không làm khó đơn vị kinh doanh vận tải hay hãng độ mà sẽ giới hạn các xe không đúng quy định không được kinh doanh vận tải khách. Điều này nhằm siết chặt quản lý, từ đó đảm bảo sự an toàn cho hành khách.
Đối với các xe dưới 10 chỗ, hoán cải thành 6 hay 4 ghế không bị ảnh hưởng bởi quy định này, vì xe dưới 10 chỗ là xe con có thể sử dụng bằng B2. Các xe dạng này vẫn có thể kinh doanh chạy tuyến hoặc vận tải mà không bị ảnh hưởng gì.
Hiện nay, đa số các dưới 10 chỗ trên thị trường hay được độ limousine là Ford Tourneo, Kia Sedona, Kia Carnival, Mercedes V-Class… Tuy nhiên, các xe này chủ yếu là dòng 7 ghế, được độ 4 hoặc 6 ghế.
Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe limousine là loại hình đang được nhiều người tâm bởi nhu cầu thị trường lớn và khách hàng mong muốn được di chuyển trên những chiếc xe tiện nghi và hiện đại hơn. Như vậy, quy định mới của cơ quan chức năng ra đời để quản lý chặt chẽ hơn, đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho hành khách mà không hề “bóp nghẹt” loại hình xe limousine.
Nguồn: Báo Dân Trí